Blog
Có nên sử dụng tỏi để tăng sức đề kháng trong mùa dịch virus corona 2019?
Virus corona chủng mới năm 2019 (2019-nCoV) gây bệnh viêm phổi bắt nguồn Vũ Hán, Trung Quốc. Phòng dịch là trách nhiệm của mỗi người dân không chỉ để bảo vệ bản thân mà còn mang ý nghĩa cộng đồng to lớn. Ngoài các phương pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi cá nhân cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, rèn luyện thể lực, ăn chín uống sôi, tăng cường sức đề kháng bằng các phương pháp khác nhau.
1. Thế nào là virus corona chủng mới 2019 (2019-nCoV)
Virus corona là dòng virus gây ra các triệu chứng như cảm lạnh thông thường, tới các triệu chứng khác nghiêm trọng hơn, giống như triệu chứng gây ra do MERS-CoV (virus gây hội chứng hô hấp Trung Đông) và SARS-CoV (virus gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp). Chủng virus corona mới (2019-nCoV) là chủng virus mới và chưa được phát hiện trên con người trước đó.
Virus corona là bệnh lây truyền từ động vật sang người, nghĩa là bệnh có khả năng lây truyền giữa các loài động vật và con người. Các nghiên cứu, điều tra trước đây đã chỉ ra rằng virus gây ra bệnh SARS (SARS –CoV) được lây truyền từ con chồn hương sang người và virus gây MERS (MERS-CoV) được lây truyền từ con lạc đà sang người. Một vài ý kiến khác lại cho rằng coronavirus có khả năng lây truyền giữa động vật với nhau và không lây cho người.
Một số các biểu hiện của nhiễm bệnh bao gồm các triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp kèm sốt, ho, thở ngắn và khó thở. Những trường hợp nặng hơn thì bệnh nhân có thể có triệu chứng của viêm phổi, hội chứng hô hấp cấp tính, giảm chức năng thận và nặng hơn là tử vong.
Các biện pháp khuyến cáo dự phòng từ WHO bao gồm rửa tay thường xuyên, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, ăn thịt chín và trứng chín, tránh tiếp xúc gần với những người có triệu chứng bệnh đường hô hấp ví dụ như ho và hắt hơi.
Virus corona là bệnh lây truyền từ động vật sang người, nghĩa là bệnh có khả năng lây truyền giữa các loài động vật và con người. Các nghiên cứu, điều tra trước đây đã chỉ ra rằng virus gây ra bệnh SARS (SARS –CoV) được lây truyền từ con chồn hương sang người và virus gây MERS (MERS-CoV) được lây truyền từ con lạc đà sang người. Một vài ý kiến khác lại cho rằng coronavirus có khả năng lây truyền giữa động vật với nhau và không lây cho người.
2. Tại sao virus corona chủng mới lại gây nguy hiểm dẫn đến WHO đưa ra cảnh báo toàn cầu?
2019-nCoV được đánh giá là nguy hiểm hơn virus gây ra SARS và MERS do tính lây lan mạnh của virus. Virus lây truyền từ người sang người thông qua tiếp xúc. Thời gian tiếp xúc khoảng 15 phút với khoảng cách <2m có nguy cơ cao lây bệnh. Thời gian ủ bệnh của virus corona mới là trung bình từ 5-7 ngày và có thể kéo dài tới 14 ngày. Ngoài ra virus này còn có thể lây nhiễm ngay trong thời gian ủ bệnh, khi người mang mầm bệnh chưa có triệu chứng gì vẫn có thể truyền bệnh. Tính đến thời điểm tháng 01/02/2020, theo thống kê của WHO đã có 11953 ca nhiễm bệnh (2128 ca nhiễm bệnh mới). Tại Trung Quốc có 11821 ca nhiễm bệnh (2102 ca mới). Có 132 trường hợp đã được phát hiện nhiễm bệnh tại các quốc gia khác ngoài Trung Quốc (26 ca mới), đã có 23 quốc gia báo cáo xác định các trường hợp mắc bệnh do chủng virus corona mới. Các con số thống kê tăng lên rất nhanh mỗi ngày, đặc biệt là ở Trung Quốc, tâm điểm của dịch lần này.
Ngoài các biện pháp dự phòng theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới và Bộ Y tế Việt Nam, mỗi cá nhân cần chủ động phòng chống dịch cho mình và cho cộng đồng. 2019-nCoV gây ra các triệu chứng nặng và nhẹ khác nhau tùy thuộc vào mỗi cá thể nhiễm bệnh. Tỷ lệ tử vong rơi vào phần lớn người già và người có sức đề kháng kém, đã có các bệnh mãn tính trước đó. Người trẻ tuổi và người có sức đề kháng tốt thì thời gian mắc ngắn hơn và các triệu chứng ít nguy kịch hơn.
Bệnh hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu vì vậy việc tăng cường sức đề kháng bản thân bằng nhiều biện pháp khác nhau hiện tại là một giải pháp hợp lý.
3. Sử dụng tỏi trong dự phòng bệnh do virus corona chủng mới có tác dụng không?
Hiện tại do chưa có thuốc đặc trị 2019-nCoV cũng như vắc-xin phòng ngừa nên việc áp dụng thử nghiệm các phương pháp điều trị khác nhau có chọn lọc cho người bệnh được các chuyên gia y tế ở Trung Quốc ưu tiên.
Tại Việt Nam theo kinh nghiệm dân gian, một loại thực phẩm đơn giản, dễ tìm như tỏi có khả năng phòng chống cúm hiệu quả. Một nghiên cứu gần đây vào năm 2014 của nhóm nghiên cứu thuộc trường đại học Western Australia đã chứng minh rằng ở nhóm đối tượng có sử dụng tỏi hàng ngày thì sự xuất hiện bệnh cúm thông thường thấp hơn so với nhóm không sử dụng tỏi. Ngoài ra việc sử dụng tỏi còn có thể làm ngắn thời gian mắc cúm, giảm mức độ trầm trọng của các triệu chứng. Theo các nghiên cứu khoa học, tỏi chứa một hợp chất tên là alliin. Khi mà tỏi được ép hoặc nhai, thì hợp chất này chuyển thành allicin, hợp chất chính trong tỏi. Allicin có chứa một hàm lượng lưu huỳnh, khiến cho tỏi có mùi và vị rất đặc trưng. Tuy nhiên allicin này không bền vững, nó nhanh chóng chuyển sang hợp chất có chứa lưu huỳnh khác và từ đó mang đến những lợi ích trong điều trị bệnh. Những hợp chất này giúp tăng cường khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh của bạch cầu khi bạch cầu gặp một số loại virus gây nên các bệnh, ví dụ virus gây cảm cúm thông thường.
Đối với trường hợp bệnh viêm phổi cấp gây ra do virus corona mới có các triệu chứng ban đầu giống như cúm. Tuy chưa có nghiên cứu cụ thể trong trường hợp đối với bệnh gây ra do virus corona chủng mới, tuy nhiên việc dùng tỏi để nâng cao sức đề kháng đường hô hấp hàng ngày, phòng cúm và phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh là hợp lý. Do không phải ai tiếp xúc với mầm bệnh cũng mắc bệnh, nguy cơ mắc bệnh phụ thuộc rất nhiều vào tính cảm nhiễm và sức đề kháng của từng cơ thể. Vậy sử dụng tỏi hàng ngày như thế nào để có tác dụng, chúng tôi xin được chia sẻ một số biện pháp dưới đây.
4. Sử dụng tỏi cho đúng cách
Tỏi trong quá trình chế biến có thể làm thay đổi các công dụng của nó tới sức khỏe
Trong tỏi có 1 loại enzyme alliinase, chất này được chuyển từ hợp chất alliin sang allicin có lợi, và chất này chỉ thực sự có tác dụng dưới một số điều kiện cụ thể. Hợp chất này cũng có thể vô tác dụng khi bị đun nóng. Các nghiên cứu chỉ rằng trong khoảng 60 giây trong lò vi sóng hoặc 45 phút trong lò nướng có thể làm mất tác dụng enzyme alliinase. Tuy nhiên nếu tỏi được ép hoặc nghiền ra và giữ 10 phút trước khi nấu ăn có thể ngăn chặn việc làm mất đi công dụng phòng bệnh của tỏi thông qua quá trình nấu nướng. Các nhà khoa học cũng khuyến cáo rằng việc mất đi 1 phần công dụng của tỏi thông qua nấu nướng cũng có thể bù lại bằng việc tăng lượng tỏi được sử dụng. Dưới đây là một số cách chế biến để giữ lại tối đa công dụng tốt cho sức khỏe của tỏi:
- Nghiền hoặc cắt tỏi thành lát mỏng trước khi bạn ăn. Cách làm này có thể làm tăng lượng allicin trong tỏi.
- Bạn hãy đợi sau 10 phút rồi mới chế biến tỏi đã nghiền hoặc cắt lát.
- Hãy tăng lượng tỏi dùng hàng ngày, nhiều hơn 1 tép tỏi mỗi ngày nếu có thể.
Đối với những người không thích ăn tỏi, thay vì sử dụng tỏi tươi, một số các chế phẩm từ tỏi cũng có thể mang lại các lợi ích về sức khỏe tương tự, bao gồm:
- Thực phẩm chức năng tỏi
- Bột tỏi
- Tinh chất tỏi già
- Dầu tỏi
5. Cần ăn bao nhiêu tỏi một ngày là đủ?
Lượng tỏi tươi tối thiểu trong 1 ngày là 1 nhánh tỏi (ăn từ 1 đến 2 nhánh 1 ngày). Nếu bạn dùng chiết xuất tỏi già thì lượng thông thường sẽ là 600 mg – 1200 mg mỗi ngày. Nếu ăn nhiều tỏi quá cũng có thể gây độc, vì thế không nên dùng quá lượng tỏi theo khuyến cáo.
6. Một số công thức chế biến từ tỏi dễ áp dụng
Bạn có thể chế biến tỏi thành những công thức khác nhau để sử dụng, tuy nhiên cần ghi nhớ một số lưu ý đã đề cập bên trên để giữ được các lợi ích tối đa của tỏi. Nếu sử dụng tỏi tươi thì nên cắt lát mỏng hoặc đập dập 10 phút trước khi dùng, không nên chế biến tỏi ở nhiệt độ quá cao. Ngoài ra nên ăn cùng bữa ăn và không nên ăn khi đói để tránh gây cản trở tiêu hóa. Trong trường hợp bạn bị tiêu chảy hoặc dị ứng với tỏi (rất hiếm gặp) thì nên ngừng sử dụng. Một số cách đơn giản nhất mà ai cũng có thể làm theo như sau:
- Nước tỏi ép: tỏi tươi đập dập khoảng 15 phút, sau đó pha với một ít nước ấm, uống như chè. Một ngày nên chế biến khoảng 1-2 tép tỏi sống.
- Tỏi dùng trong nấu ăn hàng ngày: Đập dập tỏi trước khi nấu 15 phút, sau đó bỏ trực tiếp vào món ăn. Lưu ý không nên đun nấu, phi tỏi ở nhiệt độ quá cao.
- Tỏi ngâm giấm: Tỏi có thể ngâm với dấm và dùng như gia vị trong bữa ăn hàng ngày, mỗi ngày dùng 1-2 tép.
7. Dùng tỏi để tăng sức đề kháng ở trẻ em như thế nào?
Do trẻ em thường từ chối uống nước tỏi do mùi vị của tỏi, bạn có thể áp dụng cách sau:
Đập dập tỏi ra để trong vòng 15 phút, sau đó bạn nướng tỏi lên cho tới khi có mùi thơm (không nướng nhiệt độ quá cao). Cuối cùng bạn cho tỏi đã nướng ngâm vào một chút nước ấm, sau đó lấy nước đó cho bé uống. Nếu bé ăn được cả xác tỏi thì sẽ tốt hơn.
Nguồn tham khảo: Ncbi.nlm.nih.gov; Healthline.com; who.int